DỰ TRỮ QUỐC GIA

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ
TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC - BỘ TÀI CHÍNH

Tự hào 68 năm vẻ vang, xây dựng ngành Dự trữ Nhà nước ngày càng lớn mạnh

07/08/2024 13:22

 

Trải qua 68 năm hình thành và phát triển (7/8/1956 - 7/8/2024) với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) luôn hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Trong chặng đường phát triển mới, các cán bộ, công chức tiếp tục đồng lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng ngành DTNN ngày càng lớn mạnh.

Khơi dậy trang sử vẻ vang của ngành Dự trữ Nhà nước

68 năm trước, ngày 13/01/1956, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 663/TTg ngày 13/01/1956 về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư nhà nước với danh mục 27 loại hàng hoá thiết yếu, phân công cho các bộ trực tiếp bảo quản và giao Ủy ban Kế hoạch quốc gia theo dõi chung.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Ban Lãnh đạo Tổng cục DTNN.

Ảnh: Văn Trường.

 

Tuy nhiên, để thống nhất việc quản lý hoạt động của lực lượng dự trữ vật tư, ngày 7/8/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 997/TTg thành lập Cục Quản lý Dự trữ vật tư của Nhà nước thuộc Chính phủ.

Theo Nghị định này, tổ chức bộ máy của Cục Quản lý Dự trữ vật tư của Nhà nước gồm có 4 phòng chuyên môn và 18 cơ quan đại diện đặt tại các địa bàn trọng yếu của Đất nước (từ Quảng Bình trở ra).

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 7/8 hàng năm là “Ngày Truyền thống của ngành DTNN” (theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 6/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ).

Trải qua 68 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, đến nay, ngành DTNN đã có bước phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, con người, phương tiện, quy trình quản lý cho đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế dự trữ quốc gia (DTQG).

Cụ thể, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý (gồm: cấp Tổng cục, cấp Cục DTNN khu vực, cấp Chi cục DTNN).

Trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ cơ sở pháp lý quan trọng ban đầu là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, ngành DTNN đã có Luật DTQG và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hướng dẫn và thể chế hóa Luật DTQG.

Để đáp ứng phù hợp với tình hình mới, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 20230 với nhiều mục tiêu quan trọng.

Theo đó, Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2025 giữ mức dự trữ tồn kho cuối năm khoảng 250.000 tấn (quy gạo). Xây dựng, hoàn thiện hệ thống DTQG và cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng theo hướng tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, tập trung tại các vùng, tuyến chiến lược trong cả nước theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Đây là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý hoạt động DTQG hiệu quả, góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước giao cho ngành DTNN.

Trong quản lý hàng DTQG, Tổng cục DTNN luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo quản hàng DTQG; tổ chức quản lý kho tàng, hàng DTQG đảm bảo an toàn, đủ số lượng, tốt về chất lượng theo quy định; trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho việc giám sát, quản lý hệ thống kho và hàng DTQG.

Bên cạnh bảo quản an toàn các mặt hàng DTQG, trong những năm gần đây, thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, Tổng cục DTNN đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện xuất cấp kịp thời lương thực cho các đối tượng thụ hưởng đảm bảo đủ số lượng, tốt về chất lượng theo đúng quy định.

Điển hình như: Năm 2021, ngành DTNN đã thực hiện xuất cấp khoảng 253.303 tấn gạo hỗ trợ Tết Nguyên đán, thiên tai, mưa lũ, dự án trồng rừng, học sinh các địa phương; năm 2022, xuất cấp 107.327 tấn gạo hỗ trợ người dân ở các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, thực hiện dự án trồng rừng, hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Năm 2023, ngành DTNN đã xuất cấp khoảng 108.118 tấn gạo DTQG hỗ trợ người dân các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, thiên tai, mưa lũ, dự án trồng rừng, học sinh các địa phương.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, ngành DTNN đã xuất cấp 51.631 tấn gạo để hỗ trợ người dân dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, hỗ trợ học sinh và hỗ trợ người dân trồng rừng và bảo vệ rừng theo quy định.

Nhìn chung, việc xuất cấp gạo DTQG đã được ngành DTNN tổ chức xuất cấp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; qua đó từng bước giúp Nhân dân vượt qua khó khăn, tạo niềm tin sắt son của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành...

 

Các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành DTNN luôn hoàn thành

thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Ảnh: Văn Trường.

 

Để ghi nhận những thành tích, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành DTNN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Cờ Thi đua của Chính phủ; 2 danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập và Huân chương lao động các hạng; nhiều đơn vị, chi bộ thuộc Đảng bộ cơ quan Tổng cục DTNN được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính do có thành tích xuất sắc trong công tác...

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Tiếp nối lịch sử vẻ vang hơn sáu thập niên trưởng thành, cũng như để xây dựng ngành DTNN phát triển bền vững, trong thời gian tới, cán bộ, công chức, người lao động ngành DTNN tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Để hoàn thành mục tiêu này,  ngành DTNN tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các đề án, cơ chế chính sách pháp luật về DTQG phục vụ công tác quản lý DTQG. Trong đó, tập trung xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hiện kế hoạch nhập hàng DTQG  theo đúng quy định; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cấp phát vốn, phí, thẩm định, thông báo thẩm định quyết toán và lập báo cáo tài chính vốn, phí mua hàng DTQG của các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo đúng quy định.

Thứ ba, chuẩn bị tốt mọi nguồn lực DTQG; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng DTQG và chủ động xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; đảm bảo đáp ứng mục tiêu DTQG và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhập, xuất hàng DTQG.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong thực hiện kế hoạch DTQG. Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 theo quy định.

 

Ngành DTNN luôn chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương xuất cấp kịp thời

hàng DTQG đảm bảo đủ số lượng, tốt về chất lượng, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định.

 

Thứ năm, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các cơ quan có liên quan hoàn thành xây dựng kế hoạch DTQG năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm (2025 - 2027) theo quy định.

Thứ sáu, xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm của từng đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ; triển khai công tác tuyển dụng công chức; luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức; rà soát thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đảm bảo theo quy định.

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thống kê trong lĩnh vực DTQG, đảm bảo phù hợp với cải cách, hiện đại hoá của ngành DTNN; thực hiện kiểm toán, quyết toán dự án hoàn thành đối với phần mềm quản lý nghiệp vụ DTQG; phê duyệt dự án mở rộng triển khai giám sát tập trung kho hàng DTQG tại các đơn vị...

68 năm xây dựng và trưởng thành, thế hệ cán bộ, công chức làm công tác DTNN qua các thời kỳ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tạo niềm tin vững chắc vào tiến trình phát triển của Ngành trong tương lai. Trên hành trình phát triển, ngành DTNN luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, cùng với Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để đạt được những thành quả trong hơn sáu thập kỷ qua.

Kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành DTNN (7/8) là dịp để mỗi cán bộ, công chức, người lao động cùng ôn lại truyền thống, tự hào phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có đóng góp to lớn hơn nữa vào chặng đường phát triển mới của ngành DTNN.

 

Văn Trường - Tạp chí Tài chính điện tử

BÌNH LUẬN

Các tin đã đăng